Dân tộc ta có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là một dịp để xã hội tôn vinh những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục, những người vẫn miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành ngày hội lớn được cả xã hội đặc biệt quan tâm.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Câu nói trên nhắc nhở mỗi người về đạo thầy trò: sống ở đời là “phải biết ơn người dìu dắt dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất”. Từ ngàn đời nay, nghề dạy học luôn được xem là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, cũng như “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học” (Đôn-ki-xtôi) và các thầy giáo cô giáo chính là những “người anh hùng vô danh” trong sự nghiệp trồng người. Người thầy được ví như những người lái đò ngày đêm cần mẫn chở con thuyền tri thức đưa mỗi lứa học trò đến bến bờ thành công.
Thầy cô không chỉ là người dạy chữ, mà còn dạy mỗi chúng ta cách làm người. Thầy cô còn là người vun trồng, chắp cánh những ước mơ trong mỗi học trò. Hằng ngày trên mục giảng, hàng đêm bên giáo án, mái tóc thầy ngày càng nhiều sợi bạc thì những lứa học trò với tri thức, hoài bão, khát vọng được chắp cánh cũng ngày một nhiều thêm, thế hệ này nối tiếp những thế hệ kia bước đến tương lai bằng con đò mà thầy là người cầm lái.
Hòa mình cùng không khí kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Cao đẳng Kiên Giang đã tổ chức hoạt động hỏi đáp đố vui về nhà giáo trong giờ sinh hoạt cờ thứ hai đầu tuần và trưng bày giới thiệu sách tại Thư viện thu hút đông đảo sinh viên tham gia, tạo bầu không khí thân thiện giữa thầy và trò.
Thư viện Trường Cao đẳng Kiên Giang