22/12/2014, ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đoàn viên – thanh niên cả nước nói chung, đoàn viên – thanh niên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang nói riêng đã và đang tích cực lập thành tích thiết thực để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014) và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014).
Chúng tôi, những Đoàn viên – thanh niên xin bày tỏ tấm lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần đó Đoàn viên - thanh niên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang đã viết lên những suy nghĩ và cảm xúc của mình nhân ngày lịch sử trọng đại này. 1. Noi theo gương nữ anh hùng dân tộc Phan Thị Ràng - Sinh viên Phương Thu Ngọc – lớp Kế toán 3 CĐK6. Ai sinh ra trong cuộc đời đều mong muốn mình được lớn lên trong tình yêu thương, đắm mình với thành công và hạnh phúc. Con người ai cũng phải học, học với những hình thức khác nhau nhưng chung quy là để hoàn thiện bản thân và hòa mình trong cuộc sống. Thật vậy, con người ta sống phải biết làm thế nào để chan hòa giữa hưởng thụ và cống hiến, biết yêu thương người khác, biết cảm động trước những mất mát đau thương và sự sống đang vỗ nhịp không ngớt vào từng cuộc đời. Đôi khi nó lăn tăn âu yếm, đôi khi nó cuồn cuộn như muốn nghiền nát tất cả. Chính những lúc ấy, khi mà cuộc sống trở nên không chịu đựng được nữa, khi mà phong ba bão táp điên cuồng kiêu hãnh với tất cả, thì cũng chính là khi con người ta cần đến một sức mạnh tột đỉnh, một ý thức chịu đựng cao. Đối với chúng ta, quãng đời mà ta đã tôn lên màu xanh ước mơ và màu đỏ khát vọng, quãng đời mà ta vùng lên mãnh liệt nhất để chống chọi với bão táp, đó chính là những chuỗi ngày ở tuổi thanh xuân. Chị Phan Thị Ràng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, về lòng yêu nước, về tình yêu thương sâu sắc dành cho những người xung quanh và sự hi sinh của chị thực sự là một tấm gương anh dũng. Ngày nay, lớp lớp thanh niên lấy chị làm tấm gương để soi sáng lý tưởng tuổi trẻ. Bao năm tháng trôi qua nhưng những tình cảm mà mọi người dành cho người nữ anh hùng đầy kính mến Phan Thị Ràng vẫn không thay đổi. Chị là một tấm gương sáng về cái đẹp tâm hồn, cái đẹp trong nhân cách sống và thật ý nghĩa với câu nói của nhà thơ Tố Hữu “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Là một thanh niên Việt Nam, phải biết sống với lí tưởng cao đẹp, phải biết hòa đồng, sống có trách nhiệm với người khác, tránh xa các tệ nạn xã hội… Trong tình hình hiện nay, mỗi sinh viên đều phải xác định đúng việc rèn luyện tu dưỡng bản thân, luôn luôn biết sống vì mọi người, “sống là cho” đó là điều hạnh phúc.
2. Cảm xúc trước chứng tích chiến tranh - Sinh viên Lê Vũ Thanh – lớp HDDL TCCNK16
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng những nỗi đau, mất mát do chiến tranh gây ra vẫn còn đó. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha và cả những người hiện còn sống nhưng lại mang trên mình nữa vết tích đau thương do chiến tranh để lại….
Trong lần đi tour thực tế tại Đảo Ngọc Phú Quốc ngày 30-11-2014 vừa qua, tôi đã được ghé thăm di tích Nhà tù Phú Quốc (Khu B2), nơi mà ngày xưa được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, nơi đã giam giữ những đồng chí chiến sĩ cách mạng, những người lính đã hy sinh thân mình, cam chịu những cực hình tra tấn dã man của bọn thực dân, đế quốc để đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc, để cho chúng ta có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Trong chuyến đi đó, chúng tôi – những thành viên của lớp Hướng dẫn du lịch - TCCN16, đã không khỏi chạnh lòng khi theo chân chị Hướng dẫn viên tại điểm nhà tù Phú Quốc. Lần theo bước chân chị, chúng tôi được nhìn thấy những “chuồng Cọp”, nơi chẳng có bất cứ 1 con cọp nào từ xưa đến nay, nhưng đã lấy đi máu thịt, thậm chí là mạng sống của biết bao nhiêu chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ta. Chị đưa chúng tôi qua những khu giam giữ tù binh ngày xưa. Chính tại nơi này, chiến sĩ của chúng ta đã phải chịu những cực hình tra tấn của giặc, nào là “chuồng cọp Catso”, nào là “ván ép lồng ngực”, nào là “bẻ răng”, “đánh đập bằng roi cá đuối”… Thậm chí, chúng còn dùng những hình thức tra tấn dã man hơn, những thứ mà có lẽ chúng ta chỉ được chứng kiến trong phim ảnh đó là “dùng đinh đục lấy xương ống chân”, “rút móng tay”, “đốt chảo dầu”, “đốt hạ bộ”, “đổ xà phòng”…. Thật sự mà nói, sau chuyến đi, tôi hiểu thêm được rằng, chúng ta – những con người của thế hệ đi sau – để đền đáp công ơn của các chiến sĩ quân đội đã hy sinh tính mạng vì hòa bình dân tộc, vì cuộc sống yên bình ngày hôm nay thì ngoài việc tỏ lòng biết ơn, ngoài việc cố gắng học tập, chúng ta còn phải ra sức tuyên truyền cho lớp trẻ, cho thế hệ đàn em sau này biết đến những ngày lễ kỷ niệm, biết đến những chiến công hào hùng của dân tộc ta, biết đến những tấm gương anh dũng hy sinh về đất nước và trên hết là hiểu được những ý nghĩa lớn lao của những ngày lễ ấy. Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, tôi xin được gởi lời cảm ơn sâu sắc đến những anh bộ đội, những người lính, những người chiến sĩ đã và đang bảo vệ tổ quốc dù ngày hay đêm, dù nắng hay mưa, dù ở thành phố hay biên giới, hải đảo xa xôi.
3. Mai Thị Nương, nữ anh hùng tuổi 20 - Sinh viên Trần Ngọc Diễm Thư – lớp Kế toán 1 TCCNK16
Tôi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Kiên Giang, nơi được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng. Để có được cuộc sống ngày hôm nay thì không thể không kể đến công lao to lớn của các vị anh hùng đã xây dựng và giữ gìn đất nước như: anh hùng Mạc Cửu ở Hà Tiên, nữ anh hùng Phan Thị Ràng ở Hòn Đất và không thể quên đó là nữ anh hùng Mai Thị Nương ở Giồng Riềng.
Mai Thị Nương trưởng thành trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tuổi thơ của chị đã chứng kiến biết bao cảnh ly tán, mất mát và đau thương của chiến tranh. Với lòng yêu nước, căm thù giặc thôi thúc quyết liệt, Mai Thị Nương quyết tham gia cách mạng, đấu tranh giải phóng quê hương mình. Tin chị hy sinh mau chóng được loan truyền trong nhân dân. Các đồng chí, đồng bào vô cùng xúc động, tiếc thương và kính phục trước một người con trung hiếu, một đảng viên trung kiên tiết liệt, đã bảo vệ đồng chí, đồng bào và bảo vệ cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Chị hy sinh nhưng đã truyền sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Giồng Riềng quyết tâm đánh giặc, bảo vệ quê hương cho đến ngày giành chiến thắng hoàn toàn. Ngày 22-10 vừa qua, tại nhà bia tưởng niệm Mai Thị Nương, huyện Giồng Riềng đã diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 54 năm (12/10/1960-12/10/2014) ngày Liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương hy sinh.Việc tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương, nhằm khẳng định ý nghĩa và sự tri ân sâu sắc của cán bộ và nhân dân trong huyện Giồng Riềng, nhất là thế hệ trẻ nhận sức sâu sắc về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương, từ đó ra sức làm việc và cống hiến, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp nói chung và Giồng Riềng nói riêng.
4. Chị Võ Thị Sáu, đoá hoa lòng - Sinh viên Lê Thị Kiều Ni – lớp Kế toán 1 CĐK6
“Mùa hoa Lê Ki Ma nở
Ở quê ta miền đất đỏ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng Đã chết cho mùa hoa Lê Ki Ma nở” Những câu hát vô cùng quen thuộc, tuy mộc mạc đơn sơ nhưng chứa đựng một hồn quê chân chất tình người, một hồn quê in đậm dấu chân của người chiến sĩ. Mỗi khi mùa hoa Lê Ki Ma nở, sự bát ngát, ngào ngạt của những đóa hoa lại gợi nhớ về một hình ảnh luôn ngời sáng trong lòng mỗi người, đó chính là hình ảnh người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Hoa nở cũng như chính lòng ta đang nở rộ, quên làm sao được người con gái với tiếng hát thiết tha, trong trẻo, vút lên ngân vang trong gió sớm. Tiếng hát của người thiếu nữ sắp hy sinh, đập tan bầu không khí ác nghiệt của thực dân Pháp, đã biến pháp trường trở thành cái gì đó vô cùng thiêng liêng. Nơi pháp trường chị vẫn là một đóa hoa tươi thắm luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng. Chị mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào, mãi là một đóa hoa luôn tỏa ánh hào quang cho Đất nước. Chị mang đến cho tâm hồn trẻ ý chí kiên cường, lòng yêu nước và lòng căm thù giặc hết sức mãnh liệt. Công ơn chị Võ Thị Sáu vô cùng to lớn như những vì sao lấp lánh trên bầu trời mà không thể nào đếm hết. Là một người Việt Nam yêu nước, được sống trong một đất nước hòa bình nhưng em luôn thấu hiểu sự khó khăn, gian nan của con đường cánh mạng, cũng như sự hy sinh cao cả của chị Võ Thị Sáu. Tấm gương của chị đã cho chúng em một bài học: “Đã sống thì phải sống vì Nước”. Chúng ta cần tin tưởng vào Đảng, tin vào sự chiến thắng của lòng yêu nước, cất cao tiếng hát “Quốc ca” để khẳng định mình là người Việt Nam, mình yêu nước, mình dám đứng lên chiến đấu khi tổ quốc cần. Hãy giữ mãi vẻ đẹp của người thiếu nữ Võ Thị Sáu, chị vẫn luôn ngời sáng như những đóa hoa, tỏa hương ngào ngạt vào lòng mỗi người.
5. Ký ức Điện Biên - Sinh viên Võ Nhất Long Hồ – lớp THUD CĐK8
Một ngày cuối đông, tôi đang đi trên con đường mang tên “Điện biên phủ” thuộc tỉnh Điện Biên, trong lòng tôi lại có những cảm xúc rạo rực, phấn khởi khi hồi ức lại một chiến thắng lẫy lừng thế giới và còn là một mốc vàng trong lịch sử giải phỏng dân tộc Việt Nam đó là chiến thắng “Điện biên phủ”.
Như chúng ta đã biết khi chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào ngày 19/12/1946, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu nổ ra trong 8 năm trời ròng rã chờ đợi thời cơ diễn ra và cuối cùng đã kết thúc hoàn toàn trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Chiến thắng mang lại ý nghĩa to lớn, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp và chấm dứt chiến tranh trên toàn Đông Dương. Đây không phải là chiến thắng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của các dân tộc trên thế giới. Có được những thắng lợi đó chắc hẳn đầu tiên là sự kế thừa truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của ông cha ta và sự vận dụng khéo léo về lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin và chủ tịch Hồ Chí Minh nhà chính trị thiên tài. Tuy cuộc kháng chiến đã lùi sâu vào lịch sử nhưng chiến thắng “Điện Biên Phủ” trải qua 60 năm, đến nay bài học lịch sử ấy cùng với ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Bất chợt bừng tỉnh lại những dòng hồi ức, hiện tại tôi đang đứng là nơi những anh hùng Việt Nam đã ngã xuống để có một Đất nước, một tổ quốc, một quê hương ấm no, tươi đẹp trong sự hòa bình. Tôi thầm cảm ơn họ và trong lòng tôi cảm thấy thật xấu hổ, xấu hổ vì bản thân mình chưa làm được gì cho xã hội, cho đất nước. Là đại diện cho thế hệ trẻ, năng động, sáng tạo tôi sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện sức khỏe, trau dồi kĩ năng để xây dựng và bảo vệ tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tôi xin hứa!
6. Đại tướng võ nguyên giáp, anh hùng dân tộc, vị tướng kiệt xuất của nhân loại - Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Ái – lớp Kế toán 1 CĐK6
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị anh hùng huyền thoại sống mãi trong tim con người Việt Nam. Ông là vị anh hùng của dân tộc không chỉ là cách nói dễ hiểu mà còn cho thấy tầm vóc vĩ đại của vị đại tướng đại tài của thế kỷ 20.
Ngày ấy, Quân đội non trẻ của nước ta ban đầu chỉ có 34 người, dưới tài lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại những quân đội hùng mạnh và hiếu chiến nhất của nhân loại. Ông là người chưa từng được học qua một trường quân sự nào, chưa biết bắn súng hay ném lựu đạn nhưng con người ấy có thể làm thay đổi vận mệnh của cả đất nước. Ngoài ra, ông là tổng chỉ huy trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và chủ quyền quốc gia năm 1979, giải phóng biên giới Tây nam và đánh tan bè lũ diệt chủng Polpot Yengxary, giải phóng nước bạn Campuchia. Ông đã góp phần tạo nên một trật tự thế giới mới, thế giới mà mọi dân tộc đều có tiếng nói đối với tương lai và nhân loại. Cuộc đời của ông đã gắn liền với hai mốc son lịch sử chói lọi: Đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Giờ đây, khi trái tim Ông đã ngừng đập nhưng tâm hồn Ông vẫn luôn hướng tới và dõi theo Đất nước Việt Nam. Vĩnh biệt Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, vĩnh biệt người đã làm nên chiến công vang dội để có được Đất nước phát triển như ngày hôm nay. Mọi người sẽ nhớ mãi về Ông, nhớ về vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những bài viết trên đã nói lên truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà đoàn viên – thanh niên chúng ta không có quyền quên và phải ghi nhớ suốt đời. Đó là hành trang tư tưởng của mỗi đoàn viên – thanh niên trong học tập và rèn luyện. Hãy noi gương các anh hùng liệt sỹ, phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đất nước Việt Nam ta đang trên đường đổi mới, thế hệ đoàn viên, thanh niên chúng ta hôm nay thật vinh dự là lớp người tiên phong tiếp tục trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học tập và ra sức rèn đức luyện tài. Đó là cách để hướng đến lý tưởng cao đẹp, góp phần đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ và hạnh phúc trường tồn của cả dân tộc. Biên tập: Phạm Hồng Vui |