Dự án chung cư Tân Hoàng Minh d le roi soleil quảng an Tây Hồ, Hà Nội. Dự án chung cư 23 lê duẩn Q1, TP. HCM, chủ đầu tư Tân Hoàng Minh. Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Dịch vụ cho thuê ô dù giá rẻ nhất. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Xưởng sản xuất máy ép cám viên chăn nuôi, máy ép cám viên mini cho thỏ, gà, vịt, chim bồ câu. Dịch vụ thuê chú rể đẹp trai, cao ráo, cam kết bảo mật thông tin. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Đề cương tuyên truyền Luật trưng cầu ý dân

Rate this item
(0 votes)

Ngày 25/11/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Luật trưng cầu ý dân (Kích tải Luật trưng cầu ý dân), Luật gồm 8 chương, 52 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

 

Việc ban hành Luật xuất phát từ các lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Việc xây dựng và ban hành Luật trưng cầu ý dân góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, phản ánh nhu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, Luật trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Thứ tư, tạo điều kiện để Nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sau đây là một số nội dung cơ bản của luật trưng cầu ý dân:

1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân (Điều 1).

2. Khái niệm trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến Nhân dân tuy cùng là hình thức để Nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước nhưng giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến Nhân dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý, cụ thể:

Thứ nhất, về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định; còn vấn đề lấy ý kiến Nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực do nhiều cơ quan quyết định, có thể là vấn đề ở tầm quốc gia nhưng cũng có thể chỉ là các vấn đề liên quan đến một hoặc một số địa phương cụ thể.

Thứ hai, về hình thức, trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín, còn trong việc lấy ý kiến Nhân dân thì các hình thức để người dân thể hiện ý chí thường linh hoạt hơn rất nhiều (có thể là bỏ phiếu, lấy ý kiến vào văn bản hoặc phát biểu trực tiếp tại các hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến…).

Thứ ba, về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định, có thể thi hành ngay đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu; còn kết quả lấy ý kiến Nhân dân là cơ sở để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến xem xét, quyết định.

Thứ tư, về đối tượng của việc lấy ý kiến Nhân dân có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình,… trong khi đó, đối tượng trưng cầu ý dân chỉ gồm các cử tri.

Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân không hạn chế việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với những vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

3. Nguyên tắc trưng cầu ý dân

Các nguyên tắc trong luật quy định đảm bảo xuyên suốt các khâu, các bước trong trưng cầu ý dân và được quy định tại Điều 4, bao gồm:

    1. Bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

    2. Thực hiện nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu ý dân.

    3. Việc trưng cầu ý dân phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định.  

4. Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân

Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Cụ thể là “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này” (Điều 5).

5. Các vấn đề trưng cầu ý dân

Để xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu thực tế, vào điều kiện và hoàn cảnh tại từng thời điểm, đồng thời, phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan, Luật trưng cầu ý dân quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây (Điều 6):

    1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;

    2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;

    3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;

    4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. 

6. Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân

Luật trưng cầu ý dân quy định: “Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước”. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định (Điều 7).

7. Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân

Để cử tri có thể tham gia đông đảo vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân cũng như điều kiện thời gian hợp lý cho việc tổ chức trưng cầu ý dân, Luật quy định: “Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày Chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân”(Điều 8).

8. Các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân

Để tránh trường hợp tổ chức trưng cầu ý dân vào những hoàn cảnh không phù hợp, không đảm bảo việc tổ chức trưng cầu ý dân được thành công, Điều 9 của Luật quy định:

    1. Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

    2. Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước. 

9. Giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các nhân và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Do đó, Luật trưng cầu ý dân quy định (Điều 10):

    1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.

    2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

10. Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân

Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 11 của Luật, cụ thể là:

    1. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

    2. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

    3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

11. Các hành vi bị nghiêm cấm

Để kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản ánh đúng thực chất ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm (Điều 13):

    1. Tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân.

    2. Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình.  

    3. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân.

    4. Lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.

    5. Vi phạm quy định về bỏ phiếu, kiểm phiếu trưng cầu ý dân, quy định khác của Luật này.

12. Cơ quan, người có quyền đề nghị trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là hình thức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, đồng thời để thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội và phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta, Luật trưng cầu ý dân (Điều 14) quy định:

- Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân bao gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

- Về thủ tục đề nghị trưng cầu ý dân, Luật quy định: trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội.

13. Thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân; Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị-pháp lý đặc biệt quan trọng, việc tổ chức đòi hỏi công phu và tốn kém, vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề thực sự xác đáng. Do vậy, Luật trưng cầu ý dân quy định, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

14. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân

Để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời để các cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc, Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân các cấp có quyền thành lập hoặc phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc để giúp việc trong tổ chức trưng cầu ý dân; việc thành lập tổ trưng cầu ý dân ở mỗi khu vực bỏ phiếu; trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức trưng cầu ý dân.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân được quy định cụ thể từ Điều 18 đến Điều 21 Luật này.

15. Về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân (từ Điều 24 đến Điều 30).

Mặc dù phần này có một số quy định tương đồng với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng tính chất của cuộc bầu cử khác với cuộc trưng cầu ý dân, bầu cử là cử tri bầu ra đại biểu đại diện cho mình, còn trưng cầu ý dân là việc cử tri thể hiện ý chí của mình về một vấn đề cụ thể; việc quy định trực tiếp sẽ giúp cho việc tiếp cận văn bản được dễ dàng hơn; một số thuật ngữ cũng sử dụng khác nhau, do vậy, Luật này quy định cụ thể về nguyên tắc lập danh sách cử tri, những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, thẩm quyền lập danh sách cử tri, việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, việc cử tri bỏ phiếu nơi khác và quy định về khu vực bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân mà không quy định dẫn chiếu áp dụng theo các quy định tương ứng của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cử tri là Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này. Cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri (khoản 4, Điều 24). 

Luật mở rộng người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

16. Về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; thời điểm thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; các hình thức thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân và trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân.

Việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân có đặc thù riêng. Đó là thông tin, tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên cử tri đi bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân, không vận động cử tri bỏ phiếu hay ủng hộ phương án cụ thể. Nội dung này khác với việc thông tin, tuyên truyền, vận động trong bầu cử là người ứng cử được vận động cử tri trực tiếp bỏ phiếu cho mình. Do đó, Điều 31 Luật quy định mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là:

    1. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn về vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để cử tri hiểu rõ ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

    2. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, khoa học, đúng pháp luật, thuận lợi cho cử tri và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Để việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân đạt được mục đích và đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 31, Luật đã quy định cụ thể:

    (1) Nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân gồm:Sự cần thiết của việc trưng cầu ý dân; mục đích, quan điểm trưng cầu ý dân; nội dung trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân; đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân; thời gian tổ chức trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân.

    (2) Hình thức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân gồm: Phát hành các ấn phẩm, tài liệu chính thức của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề được trưng cầu ý dân; tổ chức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; thông qua hội nghị cử tri do Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức và các hình thức khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

    (3)Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là: Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; Ủy ban Nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở địa phương; các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền về trưng cầu ý dân, thông tin về tình hình tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện cho công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương mình.

17. Phiếu trưng cầu ý dân (Điều 35)

Luật quy định trưng cầu ý dân được tổ chức trên phạm vi toàn quốc (không tổ chức trưng cầu ý dân riêng ở địa phương hay khu vực nhất định); Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội, do đó, Luật quy định phiếu trưng cầu ý dân được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước, trong đó, nội dung phiếu trưng cầu ý dân phải đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, khách quan, chính xác và rõ nghĩa. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về nội dung, hình thức phiếu trưng cầu ý dân; việc in ấn, phát hành và quản lý phiếu trưng cầu ý dân.

18. Về thời gian và địa điểm bỏ phiếu; bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu; quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân (từ Điều 36 đến Điều 39)

Các nội dung này cơ bản tương đồng với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và được quy định cụ thể từ Điều 36 đến Điều 39 của Luật. Theo đó, việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày, Tổ trưng cầu ý dân có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

19. Về kiểm phiếu; phiếu trưng cầu ý dân không hợp lệ; khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu; biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ trưng cầu ý dân (từ Điều 40 đến Điều 43)

Các nội dung này cơ bản tương đồng với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và được quy định cụ thể từ Điều 40 đến Điều 43 của Luật.

Biên bản kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân được lập thành hai bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ trưng cầu ý dân và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Toàn bộ biên bản và phiếu trưng cầu ý dân được niêm phong và gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp xã (là cơ quan có trách nhiệm tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở địa phương) chậm nhất là 03 ngày sau ngày bỏ phiếu để tổng hợp và lưu trữ.

20. Về kết quả trưng cầu ý dân (Điều 44)

Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân, thực tế tổ chức bầu cử ở nước ta đã chứng minh việc thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước là hoàn toàn có cơ sở, do đó, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân được đông đảo cử tri cả nước tham gia, Luật trưng cầu ý dân quy định:

    1. Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri  cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

    2. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành.

21. Về xác định và công bố kết quả trưng cầu ý dân (Điều 48)

Phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, Luật trưng cầu ý dân quy định, sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước.

Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân; trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại. 

22. Xử lý vi phạm phạm pháp luật về trưng cầu ý dân (Điều 50)

Tương đồng với quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật trưng cầu ý dân quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

                                                            PHÒNG HÀNH CHÍNH TỔNG HỢP

LIÊN HỆ

KGC TRÊN MẠNG XÃ HỘI