Việt Nam vốn nổi tiếng là một điểm đến hấp dẫn với nền văn hóa ẩm thực độc đáo. Thông qua ẩm thực, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam đã đánh giá “Việt Nam là thiên đường ẩm thực” với những món ăn không chỉ độc đáo mà còn thơm ngon không thể nào quên, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu của biển cả. Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, đây là lợi thế rất lớn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho nền ẩm thực nước nhà. Trong số các khu vực có khai thác nguồn nguyên liệu từ biển để tạo nên nền ẩm thực độc đáo, ta không thể không nhắc đến đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang – một hòn đảo lớn nhất của Việt Nam.
Phú Quốc là một trong số những địa điểm có nền ẩm thực khá phong phú ở Việt Nam, các món ăn ở đây được chế biến không quá cầu kỳ mà vẫn ngon và hấp dẫn, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ hải sản – thứ nguyên liệu đặc trưng của người dân miền biển. Nhắc đến đảo ngọc Phú Quốc, du khách sẽ không quên những món ăn nức tiếng mà chỉ nơi này mới có như: Gỏi cá trích, ghẹ Hàm Ninh, còi biên mai nướng, cá mú nướng, cầu gai nấu cháo....
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016 - 2017, vào ngày 06 tháng 1 năm 2017, khoa Du lịch đã tổ chức buổi hội thảo khoa học “Ẩm thực biển – Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ẩm thực tại Phú Quốc”. Đây là diễn đàn để các giảng viên đang công tác tại khoa trình bày, trao đổi ý kiến liên quan đến chủ đề hội thảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và áp dụng vào công tác giảng dạy.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Băng phát biểu khai mạc hội thảo
Buổi Hội thảo được tổ chức tại phòng Nghiệp vụ lễ tân với 8 Giảng viên của khoa Du lịch tham dự. Chương trình Hội thảo bao gồm 5 nội dung chính bao gồm:
Nội dung 1:Phát biểu khai mạc
Nội dung 2:Báo cáo kết quả nghiên cứu về đề tài “Ẩm thực biển – Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ẩm thực tại Phú Quốc” do Thạc sĩ Lương Ngọc Bích trình bày.
Nội dung 3: Báo cáo tham luận về ẩm thực biển Phú Quốc do các giảng viên: Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, CN Cao Trần Bích Tuyền, CN Lê Thùy Dương, CN Nguyễn Văn Tuấn Vũ, CN Nguyễn Thị Tường Vi, CN Lâm Trấn Quốc trình bày.
Nội dung 4: Thảo luận, đóng góp ý kiến
Nội dung 5: Tổng kết, bế mạc
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Thạc sĩ Lương Ngọc Bích báo cáo kết quả đề tài “Ẩm thực biển – Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ẩm thực tại Phú Quốc”
Thầy Lâm Trấn Quốc và cô Nguyễn Thị Tường Vi với bài tham luận “Bún quậy Phú Quốc”
Cô Lê Thùy Dương chia sẻ về món ngon từ Cầu Gai
Thầy Nguyễn Văn Tuấn Vũ trình bày tham luận về đặc sản “Chả cua Phú Quốc”
Cô Cao Trần Bích Tuyền trình bày tham luận về đặc sản “Tiết canh cua”
Qua buổi hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp xoay quanh chủ đề “Ẩm thực biển – Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch ẩm thực tại Phú Quốc” đã được đưa ra. Qua đó, ta thấy được Phú Quốc rất có tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển các chương trình du lịch ẩm thực. Kết quả của đề tài sẽ là nguồn tham khảo có ích cho các ban ngành, các nhà kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc định hướng, xây dựng các chương trình du lịch trong thời gian tới.
Hình ảnh và nội dung: Nguyễn Văn Tuấn Vũ – Giảng viên khoa Du lịch