Tác phong được định nghĩa là “lề lối và cách thức làm việc và đối xử” (Nguyễn Lân, 2002: Từ điển Từ và ngữ Hán – Việt). Bên cạnh đó, việc tuân thủ kỷ luật cũng hình thành nên một tác phong tốt. “Kỷ luật chính là tuân thủ nguyên tắc làm việc” theo anh Nguyễn Xuân Bách (Trưởng ca điều độ, tổng công ty Điện lực Hà Nội). Như vậy, để hình thành được nề nếp tốt, tác phong chuyên nghiệp cho một nhân viên là một bài toán khó cho doanh nghiệp. Đã có rất nhiều trưởng bộ phận, giám đốc các khách sạn, resort chia sẻ rằng doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo cho các bạn sinh viên mới ra trường có thêm kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ để hành nghề nhưng nề nếp tác phong thì ngay khi học trên ghế nhà trường, các bạn nên tự trau dồi, rèn luyện. Họ không đủ thời gian để rèn mà chỉ xử lý theo quy định khi một ai đó vi phạm.
Như vậy, cùng với việc học tập, việc thực hiện nề nếp tác phong cũng được xếp vào một trong những tiêu chí quan trọng để rèn luyện thái độ, tính kỷ luật cho học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để thực hiện được điều đó, các đơn vị phòng ban, các khoa, các tổ chức Đoàn thể đã phối hợp và phát động các phong trào thi đua thực hiện tốt nội quy nhà trường, đặc biệt là thực hiện tốt nề nếp, tác phong khi đến trường.
Một trong những tập thể tiêu biểu đã đi đầu trong việc duy trì nề nếp tác phong khi đến trường là Chi đoàn Quản trị khách sạn chất lượng cao - CĐK14. Các bạn đã tuân thủ đồng phục khi đến trường, nói không với đi trễ, nói lời hay ý đẹp, chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, tích cực tham gia các hoạt động phong trào,…Với những phấn đấu trên, trong học kỳ I, năm học 2020-2021, Tập thể Chi đoàn đã xuất sắc đạt các giải thưởng như: Giải Nhất – Thi đua thực hiện nề nếp, tác phong học kỳ I; Giải Nhì – Cuộc thi nấu ăn cấp khoa, Giải Khuyến khích cuộc thi làm thiệp mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20-11), Giải Nhì chuyền chanh,…
Tác phong không phải là tố chất tự nhiên mà là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, học tập, rèn luyện mỗi ngày. Mỗi người chúng ta phải chủ động, chọn lọc, sáng tạo, cái gì tốt đẹp thì mình trân trọng ghi nhận, tiếp thu, cái gì xấu, kém thì cần loại bỏ. Những điều học sinh sinh viên nên tránh để ảnh hưởng đến hình ảnh, tác phong của mình là: Nói tục, chửi thề, không tuân thủ đồng phục, không tuân thủ luật giao thông, đi trễ, hút thuốc không đúng nơi quy định, vứt rác bừa bãi,…
Tác phong chuyên nghiệp là điều kiện cần cho sự tiến bộ và thành công, thành đạt của mỗi con người. Khi có tác phong chuyên nghiệp, chúng ta sẽ có được sự tín nhiệm từ bạn bè, thầy, cô, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác… Đến khi chúng ta có phong cách đẹp thì chúng ta sẽ trở thành người có khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Vậy, mỗi người cần bắt đầu sớm và không bao giờ từ bỏ việc tự xây dựng tác phong chuẩn, chuyên nghiệp của mình.
Nguyễn Văn Tuấn Vũ – Giảng viên khoa Du lịch